Chuyên nghiệp hóa trong chế biến gỗ Việt
Xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam năm 2018 đã vượt mốc 8 tỷ USD, trong đó chủ lực là xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ, đây là kỷ lục chưa từng có của lâm sản Việt. Kết quả này phản ánh thực tế lớn mạnh của ngành chế biến gỗ tại Việt Nam, không còn ở quy mô nhỏ lẻ, các công xưởng chế biến gỗ đã trở thành những nhà máy với quy mô hiện đại trong khu vực hiện nay.
Toàn bộ gỗ xuất khẩu yêu cầu truy xuất nguồn gốc phải là gỗ rùng trồng có địa chỉ cụ thể - Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng
Một vấn đề cần chú trọng trong nền kinh tế lâm nghiệp hiện nay đó là thương hiệu doanh nghiệp. Trong chuỗi giá trị sản phẩm bao gồm sản xuất, thương mại, thiết kế và thương hiệu, ngành gỗ mới đạt giá trị ở mức trung bình. Phần lớn nhà sản xuất thực hiện theo đơn đặt hàng của thương nhân nên ít chú trọng đến giá trị thương mại.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM cho rằng việc phát triển thị trường tiêu thụ gỗ còn thụ động và ít phát triển marketing, chưa có nhiều hệ thống phân phối ra thị trường để khai thác giá trị thương mại của sản phẩm. Hiện nay dù có nhiều nhà sản xuất lớn, công nghệ hiện đại nhưng hiếm công ty nào có tên tuổi trên thị trường quốc tế. Việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia chưa được chú trọng đúng mức.
Cùng với thương hiệu, năng suất ngành gỗ cũng đang được đặc biệt quan tâm. Hiện tại Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ ở châu Á.
Tuy nhiên, ngành gỗ các quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Malaysia, Thái Lan, Indonesia. đang có những thay đổi chiến lược. Thay vì đặt ra mục tiêu đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu, họ tập trung vào việc tăng năng suất.
Sản phẩm gỗ xuất khẩu Việt Nam đáp ứng được hầu hết yêu cầu của các thị trường khó tính - Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ gỗ ở Việt Nam đang phát triển các mô hình liên kết từ trồng rừng đến chế biến gỗ, đó là nhu cầu cấp bách của thị trường. Một số thị trường lớn nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam như Hoa Kỳ, Châu Âu, Australia… đang đòi hỏi ngày càng cao về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp. Điều này buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý sản xuất và hợp tác với người dân trồng rừng để có được nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với yêu cầu của các thị trường.
Ươm giống cây lâm nghiệp chuẩn bị cho nguyên liệu gỗ rừng trồng - Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng
Đáng chú ý, năm 2017 là năm đặc biệt quan trọng của ngành lâm nghiệp Việt Nam nói chung và của ngành chế biến gỗ xuất khẩu nói riêng khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), sau tiến trình đàm phán kéo dài 6 năm. Theo đó, Việt Nam đang xây dựng và thực thi Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của quốc gia (VNTLAS) nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc gỗ và gỗ hợp pháp trong toàn bộ chuỗi cung.
Theo Chinhphu.vn
Tin mới
Các tin khác
- Giải pháp nào để ứng phó xu thế bảo hộ thương mại gia tăng? - 28/11/2018 07:53
- Chế biến thực phẩm tại Việt Nam: ‘Miền đất hứa’ cho nhà đầu tư - 21/11/2018 08:01
- Cơ hội để đặc sản của Tiền Giang đến với người tiêu dùng - 19/11/2018 08:17
- Thủ tướng: Khó phát triển nếu không hội nhập và liên kết - 07/11/2018 07:47
- VietinBank và MUFG tổ chức sự kiện kết nối kinh doanh lớn nhất Đông Nam Á - 26/10/2018 08:45
- Làm nông thời 4.0 - 16/10/2018 08:57
- Tinh thần kinh doanh thời công nghệ 4.0 - 13/10/2018 09:14